Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Anh em đừng sợ hãi

"Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bêendêbun, huống chi là người nhà. "Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng."Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
Suy niệm: 
Có lẽ trong đời người, không ai mà không phải trải qua những nỗi sợ hãi, nhất là sợ cái chết. Cái chết thường gây ám ảnh đời người nhiều hơn cả. Trong Kinh thánh đã từng kể ra những cái sợ kinh hoàng khi con người gặp phải Thiên Chúa Giavê. Sự sợ hãi trong Kinh thánh có nghĩa là kính trọng là tự khiêm tự hạ, là phó thác và vâng lời (Đnl 101,2). Cho nên sự sợ hãi trước Thiên Chúa là một đức tính khôn ngoan (Tv 111,10), là nguồn của sự sống (Cn 12,27) và được chúc phúc nữa (Tv 112,1).
Như vậy là con người có hai cái sợ: sợ sự chết và sợ Thiên Chúa Giavê. Riêng về sợ chết, Chúa nói “Đừng sợ” (c.28). Đấy là một đòi hỏi và là một lời hứa. Là đòi hỏi vì Chúa buộc con cái Ngài phải là đèn sáng đặt trên giá đèn (Mc 4,21), phải là muối mặn của đất (Mt 5,13), là ánh sáng cho trần gian (5,14). Còn giáo lý của Chúa, không phải chỉ đóng khung trong tấm lòng hay trong một mái ấm gia đình mình. Nhưng Chúa buộc phải rao giảng chân lý của Chúa trên mái nhà (c.27). Chúa muốn con cái Ngài phải là chứng nhân cho Ngài từ Samaria, Galilê đến tận cùng trái đất.

Là một lời hứa bảo đảm cho họ khi gặp thử thách, Chúa Giêsu đưa ra 3 lý do để họ an tâm tin tưởng:
1. Dù chết phần xác nhưng còn phần hồn. Phần xác kia sẽ sống lại. Cho nên cái sợ trước hết phải là sợ Đấng có quyền trên cả linh hồn và thân xác (c.28). J. de Bird nói: “tâm hồn dành cho Chúa, xác dành cho inimicis”. Chúng ta nói cả xác cả hồn dành cho Thiên Chúa và anh em. Gương các thánh tử đạo còn đó. Họ được tình yêu Thiên Chúa quan phòng bao bọc thật nhiệm mầu.
2. Đức Kitô quả quyết một phần thưởng “hễ ai tuyên xưng Thầy...” (c.32). Một bát nước lã vì danh Ngài, còn được thưởng công, huống chi tuyên xưng danh Chúa (Mt 11,42). Ai tuyên xưng Ngài dưới đất, sẽ được Ngài che chở ở trên trời. Vào giờ chung thẩm phán xét, họ sẽ được xót thương.
3. Chúa Giêsu sẽ bang trợ họ, luôn đứng sau lưng họ. Chúa quả quyết mỗi người còn đáng giá hơn chim sẻ và sợi tóc trên đầu Chúa cũng đã đếm cả rồi (c.29).
Vâng, người môn đệ của Chúa, được Ngài trao ban cho một sứ mệnh phải thi hành trong khoảng không gian và thời gian một nhiệm vụ nào đó. Nhiệm vụ càng cao, ơn thánh càng giàu. Có quyền lợi, có nghĩa vụ, có bổn phận. Quyền của họ là được ghi tên trên nước trời (Lc 10,20) và ở trần gian này là ơn thánh. Còn nhiệm vụ của họ là rao giảng, là chứng nhân. Rao giảng điều gì ? Thưa, rao giảng chân lý hào hùng minh chính về ơn cứu độ, rao giảng nước Thiên Chúa và hiến pháp của Ngài qua Kinh thánh.
Người môn đệ phải nhớ rằng, rao giảng về Chúa là một mệnh lệnh “hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mt 28,20). Thánh Phaolô đã từng nói “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người kitô hữu, tôi phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?
“Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn Chủ”. Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, của tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta thấy một lý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng nói: “Tôi tớ không trọng hơn chủ”. Chúa đã đến trần gian trong con đường khiêm hạ, nghèo khó. Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ, tận hiến và hy sinh. Hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu. Xin giúp chúng con luôn biết theo gương Chúa cho đến cùng. Cho dẫu có vì Chúa mà bị người đời khinh chê. Cho dẫu có vì Chúa mà bị thua thiệt. Xin ban cho chúng con một tâm hồn trong sáng và một lương tâm ngay lành để chúng con luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi được sống theo gương Chúa.

1 nhận xét:

  1. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng nói: “Tôi tớ không trọng hơn chủ”. Chúa đã đến trần gian trong con đường khiêm hạ, nghèo khó. Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ, tận hiến và hy sinh. Hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu. Xin giúp chúng con luôn biết theo gương Chúa cho đến cùng. Cho dẫu có vì Chúa mà bị người đời khinh chê. Cho dẫu có vì Chúa mà bị thua thiệt. Xin ban cho chúng con một tâm hồn trong sáng và một lương tâm ngay lành để chúng con luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi được sống theo gương Chúa.

    Trả lờiXóa