Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Bài giảng lễ Mân Côi


LỄ MÂN CÔI
(Ngày 07/10)
Ngày 07/10/1571, ĐGH Piô V đã truyền cho toàn thể Hội Thánh sốt sắng lần chuỗi Mân Côi để kêu xin Đức Trinh nữ Maria cứu giúp binh đoàn Công giáo đang chiến đấu với người Hồi giáo tại vịnh Lépante. Đức Mẹ đã nhậm lời, và binh đoàn Công giáo đã chiến thắng vẻ vang trong chính ngày 07/10 đó. Để muôn đời ghi nhớ ơn lành của Mẹ, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII, đấng kế vị Đức Piô V đã thiết lập Lễ Mân Côi, lễ mà chúng ta long trọng cử hành hôm nay.
Mừng lễ hôm nay, không phải để kỷ niệm một chiến thắng quân sự vật chất, mà để chúng ta ý thức về một phương thế đạo đức hiệu nghiệm mà chính Đức Mẹ cũng như Giáo Hội luôn khuyến khích.
Tại sao phải lần chuỗi Mân Côi ?
Trong tất cả những lần hiện ra với con cái loài người, Đức Mẹ luôn khuyến khích người ta hãy chuyên cần lần chuỗi Mân Côi, như ở Lộ Đức và ở Fatima.
Để thực thi ý muốn của Đức Mẹ, Giáo Hội cũng không ngừng cổ động, kêu gọi con cái hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Đức Giáo hoàng Piô IX nói: "Chúng con muốn được sự bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình và trong xứ sở... thì hãy hợp nhau ban tối để cùng nhau lần hạt Mân Côi".
Đức Giáo hoàng Lêô XIII nói : "Cha mạnh dạn quả quyết rằng: Gia đình nào có truyền thống lần hạt Mân Côi hằng ngày, sẽ không bao giờ mất đức tin".
Đức Giáo hoàng Piô XII rất tin tưởng vào phép mầu của tràng chuỗi Mân Côi, nên đã tuyên bố: "Không có một phương cách nào linh diệu hơn để tiếp nhận nhiều ơn lành của Chúa xuống cho gia đình, cho bằng lần hạt Mân Côi".
Không chỉ bằng những lời khuyến khích suông, Giáo Hội còn ban nhiều ân xá cho những ai sốt sắng lần hạt Mân Côi, đặc biệt là:
- Ai lần chuỗi 50 trước Mình Thánh Chúa trong nhà thờ, nhà nguyện, bất cứ đọc một mình hay đọc chung với người khác, được hưởng nhờ một ơn đại xá.
- Lần chuỗi chung với nhau trong gia đình, hay trong các cộng đoàn, dù không phải trước Mình Thánh Chúa, cũng được hưởng một ơn đại xá.
Tại sao Hội Thánh lại hết sức khuyến khích và rộng rãi ban nhiều ân xá cho những ai lần chuỗi Mân Côi như vậy? Thưa, vì đó là kinh nguyện dựa trên nền tảng Thánh Kinh và mọi người đều có thể thực hành được. Linh mục Lacordaire, nhà giảng thuyết thời danh đã gọi "Chuỗi Mân Côi là bản tóm lược cuốn Phúc Âm".
Chuỗi Mân Côi đầy đủ gồm 20 mầu nhiệm Vui - Sáng - Thương - Mừng. Và trong Tông thư Tràng hoa Mân Côi dâng kính Trinh nữ Maria mới đây, ĐGH Gioan Phaolô II đã đề nghị thêm 5 mầu nhiệm Sự Sáng, tức là 20 mầu nhiệm, gồm tóm tất cả những sự kiện chính yếu trong đời Chúa và Đức Maria. Từ khi Đức Mẹ được truyền tin cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống và Đức Mẹ được Chúa cho hồn xác lên trời và đặt làm Nữ Vương trên trời dưới đất.
Sau khi được Truyền tin, Đức Maria vội vã đi thăm bà Isave. Sau đó sinh con; rồi sau 40 ngày dâng con cho Thiên Chúa. Năm Chúa lên 12 tuổi, Mẹ và Thánh Giuse đã tìm thấy con sau ba ngày lạc mất trong đền thờ. Khi ra giảng đạo, trước hết là chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giorđan; dự tiệc cưới ở Cana; công bố Nước Trời kêu gọi sám hối; biến hình trên núi; lập Bí tích Thánh Thể. Sau khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa đi cầu nguyện và hấp hối trong vườn Cây Dầu. Sau đó bị bắt chịu đánh đòn, chịu đội mũ gai, chịu đóng đinh và chết trên Thánh giá. Được các môn đệ hạ xác chôn trong mồ. Sáng ngày thứ nhất trong tuần thì sống lại; 40 ngày sau khi sống lại lên trời; 10 ngày sau khi lên trời cử Chúa Thánh Thần xuống với các tông đồ. Đức Maria qua đời được đưa về trời cả hồn và xác, rồi được Thiên Chúa đặt làm Nữ Vương hoàn vũ. Đó là tóm lược tất cả cuốn Phúc Âm.
Kinh Mân Côi giúp ích gì cho chúng ta ?
Kinh Mân Côi là một phương cách cầu nguyện rất hữu hiệu mà ai cũng có thể thực thi. Người già, người trẻ, thậm chí cả trẻ em nữa. Chúng ta có thể lần hạt mọi nơi: đi tàu xe, đi chợ, ở nhà thờ hay ở nhà; khi có giờ lần cả chuỗi 50, không có giờ thì lần 10, v.v...
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là chúng ta cần lần hạt sốt sắng, chứ không phải lần nhiều mà thiếu suy gẫm. Những kinh chúng ta đọc là những kinh trọng nhất trong đạo: Kinh Lạy Cha là kinh chính Chúa Cứu Thế đã dạy. Kinh Kính Mừng gồm lời chào của sứ thần Gabriel và lời ca tụng Đức Mẹ của bà Isave. Kinh Sáng Danh là lời tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi của Hội Thánh. Các mầu nhiệm phải suy gẫm là các mầu nhiệm trong đời Chúa Cứu Thế và Đức Mẹ. Ví dụ suy gẫm thứ hai mùa Vui, Đức Bà đi thăm bà Isave, chúng ta phải cố gắng bắt chước Đức Mẹ thực hiện đức yêu thương ngay trong gia đình, với bà con, với mọi người. Thứ hai mùa Mừng, Chúa Giêsu lên trời, chúng ta phải suy rằng cuộc đời này phải ăn thì phải làm lụng, buôn bán nhưng phải cố gắng nhớ đến mục đích đời này là để chuẩn bị về với Chúa đời sau, nên phải ăn ở lương thiện, tránh gian tham lỗi công bằng, v.v... Các mầu nhiệm khác cũng tương tự như thế. Đó là cách lần hạt hữu ích nhất.
Kinh Mân Côi có liên hệ gì với chúng ta ?
Cuộc đời của Chúa và Đức Mẹ cũng chẳng khác gì cuộc sống chúng ta. Chẳng thiếu những vui buồn lo lắng, bất trắc rủi ro như con cái hư hỏng, vợ chồng bất thuận, nghèo túng, bệnh tật, chết chóc... Chúng ta hãy bắt chước Đức Mẹ thưa vâng cách tin tưởng, cậy trông, phó thác hoàn toàn vào Chúa quan phòng. Hãy chạy đến với Mẹ khi gặp những hoàn cảnh khó khăn của cuộc đời. Chắc chắn Mẹ sẽ an ủi, nâng đỡ, vì chưa có ai chạy đến với Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời.
Lạy Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi. Xin cầu cho chúng con.

Tình người

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
Suy niệm: 
A- Phân tích (Hạt giống...)
1. “Ai là người thân cận của tôi?”. Câu hỏi này của vị Luật sĩ phản ảnh phần nào chiều hướng của ông:
- Ông muốn tìm một câu định nghĩa về “người thân cận”. Người Do Thái thời đó hiểu “người thân cận” chỉ là những đồng bào Do Thái với mình.
- Ông muốn nghe một câu trả lời có tính lý thuyết.
2. Dụ ngôn người Samari phản ảnh chiều hướng của Chúa Giêsu:
- Định nghĩa về “người thân cận” không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận (câu 37).
- Người thân cận là bất cứ ai (không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, quan điểm...). Hình như hai nhân vật chính trong dụ ngôn này một người là Do Thái và một người là Samari.
- Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ (câu 36).
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. “Sống ở đời, ai ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn, có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng... Sống ở đời, ai ai mà không cần tới tình yêu. Nhưng ít người thực hiện tình yêu. Hay nếu có, lại chỉ vỏn vẹn trong một khung cảnh gia đình hay trong một lũy tre xanh chật hẹp. Cho nên cũng vì vậy mà trần gian mất đi nhiều nguồn vui thật”. (Trích “TMCGK ngày trong tuần”)
2. Bác ái là thẻ thông hành có giá trị nhất để vào Nước Trời”. “Bác ái đích thực không tra vấn, không đặt câu hỏi”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
3. Trong thời thế chiến, một sĩ quan Anh thấy một sĩ quan Đức bị trọng thương, đang oằn oại bên hàng rào kẽm gai. Bom đạn ầm ầm, khói lửa ngút trời, nên không thể đưa người thương binh vào chỗ an toàn. Cuối cùng, người sĩ quan Anh tự nhủ: "Mình không đành lòng nhìn một người đau đớn khốn khổ như vậy!" Thế là anh phóng ra giữa lửa đạn, vác người thương binh trên vai và đưa sang phần đất mà quân Đức chiếm đóng. Khi trận chiến tạm dừng, một sĩ quan Đức bước ra khỏi chiến hào, tháo chiếc thánh giá bạc đeo trước ngực và gắn cho người sĩ quan Anh.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là nguồn lương thực nuôi dưỡng chúng con. Qua bí tích Thánh Thể Chúa đã hiến ban chính Máu Thịt làm của ăn cho chúng con trên đường lữ thứ trần gian. Chúng con xin cảm tạ Chúa. Xin cho chúng con biết hiến dâng chính mình làm lễ vật tình yêu cho Chúa, và cũng trở thành tấm bánh được bẻ ra cho nhân thế hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Người đời thường ích kỷ, vụ lợi. Tình người còn mang nhiều toan tính hẹp hòi. Có mấy ai cho đi mà không mong đền đáp? Có mấy ai yêu thương đến quên cả chính mình? Xin tha thứ cho tình người còn khiếm khuyết nơi chúng con. Xin Chúa kiện toàn đức ái nơi chúng con. Một đức ái vô vị lợi, luôn hướng đến tha nhân trong tinh thần xả kỷ hy sinh. Một đức ái chân thành để chúng con quên mình mà phục vụ lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết vượt ra khỏi những toan tính tầm thường, để chúng con sống quảng đại với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con mang lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa, để chúng con biết chạnh lòng thương xót trước những đau khổ của tha nhân, và sẵn lòng chia sẻ với họ bằng một tình mến yêu chân thành. Amen.