Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Kho tàng quý giá

"Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
Suy niệm: 
Bài thơ “Viên ngọc quí giá nhất” của thi hào Tagore có nội dung như sau: Sanathan cầu nguyện đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp: “Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi”.
Người thanh niên tiếp tục nài nỉ: Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.
Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc quí này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.
Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quí. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin: Thưa Ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quý hơn mọi viên ngọc quí. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải. Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.
Bài thơ trên đây có thể minh họa cho chúng ta cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất mát là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống. Đó là cái nghịch lý mà Chúa Giêsu đã quảng bá và sống cho đến tận cùng. Cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu là một thể hiện của cái nghịch lý ấy.
Trong Tin Mừng hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề ra cái nghịch lý ấy; vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh lệnh: “Hãy theo Ta” và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: “Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta”.
Hãy đi theo Ngài vì Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời; nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quí giá nhất; nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào”. Các môn đệ được kêu gọi trước tiên là để sống với Ngài. Được sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.
Là Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Là Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống; để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Là Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.
Dù sống trong hoàn cảnh nào, người môn đệ của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên báo của Ngài: “Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ”. Không bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của người Kitô hữu.
Nguyện xin Chúa Kitô, Đấng chúng ta đã chọn làm gia nghiệp, luôn giữ gìn chúng ta trên bước đường theo Chúa, và củng cố chúng ta trong nghịch lý mà Ngài đã sống: mất mát là lợi lộc, cho là nhận lãnh, chết là được sống.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, cuộc đời có quá nhiều những cám dỗ tội lỗi. Có biết bao cám dỗ mời mọc chúng con xa Chúa. Có biết bao cám dỗ luôn hấp dẫn chúng con từng phút từng giây. Cám dỗ nào cũng để lại trong chúng con sự lưu luyến. Đôi khi vì yếu đuối mà chúng con sa vào cám dỗ của ma quỷ. Mỗi lần chúng con phạm tội là một lần chúng con xa lìa Chúa, chúng con đánh mất viên ngọc quý là chính Chúa. Như thế, chúng con cũng đánh mất gia bảo Nước Trời mai sau. Xin Chúa ban ơn sức mạnh để chúng con can đảm từ khước ước muốn tội lỗi. Xin giúp chúng con biết gìn giữ kho tàng ân sủng của Chúa để nhờ ơn Chúa chúng con luôn biết sống theo đường lối của Ngài. Xin giúp chúng con biết chọn Chúa trên tất cả mọi sự. Amen


Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Dụ ngôn hạt cải, nắm men

Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."
Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."
Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
Suy niệm: 
Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo hội tiên khởi trong sự nghèo khó và thiếu thốn. Đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.
Dựa vào những hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do thái, nghĩa là Nước Chúa đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi”. Bởi vì thánh sử viết Phúc âm sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, chúng ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu tiên của Nước Trời và của Tin mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo hội do Chúa Giêsu sáng lập.
Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi”. Trong cử hành thánh lễ, lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ biến đổi nên giống Chúa Giêsu.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho Dân Chúa là Giáo hội trở nên dấu chỉ của hạt giống và men của Nước Trời trong thế gian này, cho tới ngày Nước Chúa được hoàn tất trong vinh quang. Amen
 

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Anh em thật có phúc

Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? " Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.
Suy niệm: 
Kitô giáo là đạo từ trời xuống, vì những giáo lý và niềm tin Kitô do chính Thiên Chúa truyền xuống. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa chính là mạc khải về Thiên Chúa cho con người.
Trong lời rao giảng của Ngài, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.
Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Để hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”. Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu. Vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và là ai người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được nghe”
Ước gì chúng ta được vào số những người mà Chúa Giêsu cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con được lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời. Xin giúp chúng con biết phó thác đời mình trong sự quan phòng của Chúa. Xin dạy bảo chúng con những lời cao quý để chúng con luôn đi trong đường ngay nẻo chính.


Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Vị tông đồ cao vọng

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." Đức Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi." Đức Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."
Suy niệm: 
Ông tên là Giacôbê, em ông cũng là tông đồ tên là Gioan. Cha ông tên là Zêbêđê, một người ngư phủ. Mẹ ông tên là Salômê, chị họ của bà Maria (có thể là mẹ Đức Giêsu Nazareth). Bà Salômê là một con người độc đáo. Có một lần bà đến gặp Đức Giêsu và thỉnh cầu cho con bà. Bà nói: "Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây, được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài trong nước của Ngài..." (Mt 20,21). Đấy, bà xin xỏ cho hai con trai được hai chỗ danh dự, thành hai quan cận thần, chức tước cỡ lớn, áo mão xênh xang.
Hai người con đó là Giacôbê và Gioan. Giacôbê là anh, làm nghề ngư phủ với cha mình. Con người của Giacôbê sôi sục, nóng bỏng, vì thế, Giacôbê dễ dàng làm mồi cho cao vọng. Ông được Chúa gọi là con Của Sấm Sét để thấy rằng ông là người nóng nảy, cuồng nhiệt đến thế nào. Điều này cũng giải thích được phản ứng của ông đối với dân Samaria.
Đức Giêsu về Giêrusalem và phải đi qua miền Samaria. Giữa người Samaria và người Do Thái vốn có sự xung khắc. Đức Giêsu sai người đến một làng gần đó để chuẩn bị chỗ cho Người và các Tông đồ nhưng dân Samaria từ chối. Thế là Giacôbê và Gioan nổi giận. Họ nhớ lại có lần tiên tri Êlia gọi lửa từ trời xuống, họ cũng đề nghị với Chứa tương tự: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt bọn chúng không ?" (Lc 9, 54.) Chúng ta chứng tỏ cho bọn họ thấy quyền năng, cho mọi người biết rằng chúng ta có quyền sai lửa xuống cho họ khiếp. Nhưng, Đức Giêsu quở trách họ:"Anh em không biết anh em sống theo Thần Khí nào. Vì Con Người đến không phải để hủy diệt mạng sống người ta mà là để cứu họ..." (Lc, 9,55-56).
Cao vọng của người mẹ đã truyền sang người con đến độ nếu người mẹ không xin thì con cũng tự ý xin. Bằng cớ là thánh Maccô đã kể lại câu chuyện tương tự nhưng lại không nhắc đến người mẹ mà chỉ để cho chính Giacôbê và Gioan tự miệng nói ra: "Xin Thầy cho chúng con được ngồi một người bên tả, một người bên hữu trong vinh quang của Thầy" (Mc l0,37). Và Chúa đã dạy họ một bài học. Chúa cho họ biết rằng những chỗ danh dự trên Trời không dành cho những kẻ bè phái, nịnh hót, xin xỏ, nhưng dành cho những người xứng đáng:"Anh em không biết anh em xin gì? anh em có thể uống chén Thầy uống và chịu thanh tẩy cùng một thứ thanh tẩy mà Thầy chịu không ?" (Mc l0,38)
Muốn là phải được. Người có nhiều cao vọng thì hứa thi hành tất cả. Giacôbê không hiểu mình đã hứa một điều hệ trọng như thế nào khi ông vội vàng đáp lời Chúa là "Thưa Thầy được ạ".
Và câu trả lời của Chúa tiếp đó quả thật là khó hiểu đối với họ: Chén của Thầy, anh em sẽ uống, Thanh tẩy Thầy chịu, anh em sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả của Thầy, Thầy không có quyền ban, Nhưng là dành cho ai đã tiền định" (Mc l0,39-40)
Mãi sau này, Giacôbê mới hiểu ra. Đó là chén của đau khổ, của hấp hối, chén của khó khăn, của thử thách...Và sau này, Giacôbê cũng đã uống chén đó: ông chịu tử đạo. Ông là tông đồ đầu tiên đổ máu dưới thời Hêrôđê, ông đã uống cạn chén Chúa đã uống...
Trong câu chuyện này, ta thấy một sự kiện khiến ta suy tư về chữ “thánh" nằm trước tên các tông đồ như thánh Phêrô, Thánh Anrê, thánh Matthêu...
Khi 10 người kia nghe được những lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan, họ phẫn uất với hai anh em (Mt, 20,24). Vâng, họ ganh tị, xét cho cùng, họ cũng đầy cao vọng. Họ cũng cao vọng bằng hai anh em nhưng họ không đủ can đảm để xin như những "Đứa Con Của Sấm Sét".
Phân tích ra như vậy ta mới thấy thật là nản lòng. Hào quang các vị cũng bị vẩn đục ít nhiều chăng?
Họ cũng bất toàn, họ ích kỷ, họ đầy ắp cao vọng, và thêm vào đó, họ còn giả hình nữa. Nhưng, đây mới là điều đáng nói: Đức Giêsu đã chọn những người ấy. Và quả thật họ đã thay đổi cả bộ mặt thế giới, họ đã di chuyển cả núi non.
Đức Giêsu đã không chọn những con người hoàn hảo. Người không chọn những kẻ thánh thiện ngay từ trong lòng mẹ. Chúa đã chọn những người có máu ganh tị, ích kỷ, tham lam, cao vọng nhất như Giacôbê. Người chọn họ vì Người muốn hoán cải họ.
Hoán cải thế nào? Thưa, bằng chính đời sống của Người. Họ noi gương Người, gương của Đấng quỳ xuống mà rửa chân cho họ: "Ai muốn làm lớn trong anh em thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20, 27). Chúa còn hoán cải họ bằng cái chết của Người. Họ biết vì sao Người sống, họ nghe Lời Người dạy. Giờ đây, Người thi hành điều đã loan báo. Người vâng phục Thánh ý Cha cho đến chết. dù là cái chết nhục nhã trên thập giá: "Con Người đến để thí mạng sống mình hầu làm giá cứu chuộc thay cho nhiều người.” (Mt 20,28)
Chúa còn hoán cải họ bằng chính Thánh Thần của Người. Một Thần Khí mới, không phải tinh thần ích kỷ, tham lam, ganh tị và giận dữ, nhưng là Thần Khí của Thiên Chúa. Thánh Thần ở bên trong họ và thay đổi họ tự thâm sâu.
Hình ảnh thành công của con người chúng ta thường là hình tháp. Ta càng lên cao thì càng ít người bằng ta và ta càng có nhiều người ở dưới. Mục đích của chúng ta là đỉnh kim tự tháp. Không ai bằng ta, ta hơn hết mọi người. Giacôbê cũng từng mong muốn như thế. Ông mong được ngồi bên hữu hay bên tả Chúa. Chỉ có Chúa là hơn ông, còn mọi người thì đều ở dưới chân.
Chúa đã đến, Chúa đã lật ngược hình tháp. Càng tiến lên, ta càng có nhiều người ở bên trên, ta càng có nhiều người để phục vụ. Và Đức Giêsu, đỉnh của kim tự tháp lật ngược đó, mang lấy tội lỗi thay cho cả nhân loại :“Con Người đến để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc..." (Mt 20,28). Vấn đề của chúng ta là ở đó.
Chúng ta muốn thực hiện cao vọng của mình hay chúng ta chấp nhận để khát vọng Chúa thể hiện trong ta. Chúng ta muốn uống ly rượu ngọt của mình hay là uống chén mật đắng của Chúa? Và tự muôn thuở cho đến mãi mãi, con người chúng ta cứ bị đong đưa giữa ý mình và ý Chúa, giữa cửa hỏa ngục và cửa Thiên đàng.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời chúng con bị nhiễm nhiều hoen ố; hoen ố bởi danh vọng, bởi chức quyền…nhất là trong xã hội hôm nay, ai ai cũng coi trọng địa vị. Nhưng cũng chính vì địa vị nhiều khi đã kéo chúng con xa rời tình Chúa, thiếu vắng tình người. Xin Chúa thức tỉnh chúng con. Xin dùng tình yêu Chúa mà hoán cải cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con một khi đã cảm nhận được tình yêu Chúa, hãy biết sống chết cho tình yêu Ngài bằng việc phục vụ anh chị em chúng con và làm chứng cho tình yêu Chúa. Amen


Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Thực hành Lời Chúa

Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.  Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy."Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."
Suy niệm: 
Đoạn Tin mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Đức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe Lời Chúa và Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vì Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Đức Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và được nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.
Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi lời Chúa của Đức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình; trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Ước gì chúng ta biết chạy đến với Đức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta hãy cùng đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên thành viên của gia đình Chúa qua việc chuyên chú lắng nghe và thực hành Lời Chúa, để sự hiện diện của chúng con luôn mang lại an vui, hạnh phúc cho những ai chúng con gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Xin Chúa nhận chúng con vào gia đình của Chúa để chúng con luôn được Chúa yêu mến, dạy dỗ. Amen


Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Dấu lạ và dấu chỉ

Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.
Suy niệm: 
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và có lẽ cũng là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề :”Ánh sáng đô thị”. Đó là câu chuyện tình của gã lang thang và một cô gái bán hoa.
Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỉ phú trong rừng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, ngã lang thang là chàng Charlot cũng dừng lại mua hoa. Cô gái bán hoa tưởng là người tỉ phú. Thế là một giấc mộng đã sớm nở và nối kết hai linh hồn lại với nhau. Nàng tưởng mình gặp người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng hết lòng yêu nàng, cố gắng làm việc để kiếm tiền phụ với nàng để nàng có đủ tiền chữa bệnh với hy vọng một ngày kia nàng sẽ được khỏi tật mù lòa.
Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát giam giữ. Sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng.
Tình cờ một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: ”cô đã thấy được rồi sao ?”… Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc… nàng từ từ nhặt chiếc hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: ”anh đấy sao?” Thế là cả hai bên đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.
Những người biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Thực ra Chúa Giêsu đã cho họ biết bao nhiêu dấu lạ mà họ cố tình không muốn thấy. Vì thế Ngài nói chẳng cần cho họ dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giôna, tức là ám chỉ Ngài sẽ chết và sống lại. Ngài biết rằng dấu lạ đó cũng chẳng thể mở mắt họ nổi, cho nên Chúa Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.
“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”. Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm phép lạ tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mặt nhiều người. Chúng ta nghĩ nếu có những dấu lạ ấy thì mọi người đều tin thờ Chúa.
Thực ra Chúa thừa sức làm những phép lạ như thế. Nhưng những dấu lạ như thế sẽ là một áp lực, một bó buộc khiến người ta phải tin thờ Ngài, không cách nào khác được. Và như thế con người không còn được tự do, Chúa không phải là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.
Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng thích ban dấu chỉ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Và những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt mở lòng ra là có thể thấy ngay.
Vấn đề của chúng ta ngày nay không phải là không có dấu chỉ mà là không biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó. Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu. Chẳng hạn, tôi có hiểu ý nghĩa những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình không: tôi bị bệnh…tôi bị người ta phê phán…tôi vừa gặp thất bại…Tại sao? Qua những điều ấy, Chúa muốn nói gì với tôi?
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức tin đủ để nhận ra tình thương cao vời của Chúa. Xin cho chúng con lòng trông vậy vững vàng để dầu đứng trước gian nguy chúng con luôn phó thác nơi Chúa. Xin ban cho chúng con lòng mến sắt son để chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Amen


Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Người tôi trung hiền lành

Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu. Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: "Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

Suy niệm: 
Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt phái ghen ghét và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Matthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin mừng hôm nay.
Đấng Thiên sai là Con Thiên Chúa, Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài: một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng. Ngài không cãi vã, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Đó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.
Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: ”Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Ngài luôn quả quyết: “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại”, và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên đàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu ông chưa hiểu lòng Chúa bao dung.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa là Đấng trung thành trong tình yêu. Cho dù chúng con có bất trung thì Chúa vẫn hằng yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con biết theo gương Chúa để yêu thương và phục vụ anh em trong kiên nhẫn và trung thành như Chúa. Xin Chúa cho chúng con thấu hiểu lòng Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi chúng con, để chúng con hết lòng trở về với Chúa hầu được hưởng nguồn ơn cứu độ.Amen

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Ta muốn lòng nhân từ

Hôm ấy, vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát! " Người đáp: "Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát."
Suy niệm: 
Chương 12 trong Tin Mừng Matthêu qui tụ những tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái giáo thời Chúa Giêsu về những đặc tính của một nếp sống tôn giáo. Cuộc tranh luận hôm nay liên quan đến việc thực hành đạo đức căn bản của người Do thái, đó là việc giữ ngày Hưu lễ. Đây là một thực hành quan trọng đến độ những người Biệt phái đã dùng việc Chúa Giêsu không tuân giữ luật Hưu lễ để lý luận và nói với dân chúng rằng Chúa Giêsu không phải là Đấng đến từ Thiên Chúa, không phải là Đấng Mêsia.
Việc dành riêng một ngày nghỉ cho Thiên Chúa đã bị lạm dụng đến mức việc Hưu lễ không còn là do tình yêu mến tôn thờ đối với Thiên Chúa, nhưng là một hình thức ràng buộc con người. Qua cuộc tranh luận với những người Biệt phái về việc giữ luật ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu mở rộng cho chúng ta thấy giá trị tôn giáo đích thực của ngày Hưu lễ, phải sống tinh thần ngày Hưu lễ như thế nào?
Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin mừng Nhất lãm, nhưng nơi Tin mừng Matthêu tác giả lưu ý hai điểm: thứ nhất, quyền hành của Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức; thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức.
Trả lời cho thắc mắc của những người Biệt phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xảy ra trong Cựu ước liên quan đến Đavít và những người tùy tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm, hoặc việc các tư tế trong Đền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội”. Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em theo những việc bên ngoài.
Vả lại, những việc đạo đức và việc nghỉ ngày Hưu lễ là để con người đến gần Thiên Chúa, thế mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã hiện diện giữa họ, thì họ phủ nhận, biện bác theo kiểu gọi là “đạo đức”. Các tư tế làm việc trong Đền thờ ngày Hưu lễ mà không lỗi luật, thì các môn đệ Chúa Giêsu lỗi luật thế nào được, vì đã có Chúa Giêsu bên cạnh họ. Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng hơn Đền thờ. Chúa Giêsu muốn nhân dịp này để mạc khải chính Ngài là Đấng Mêsia cao trọng hơn Đền thờ và làm chủ cả ngày Hưu lễ; nhưng các người Biệt phái không nhìn nhận điều này.
Xin Chúa giúp chúng ta vượt qua tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu là Đấng rất nhân từ, xin ban ơn Thánh Thần để hoán cải tâm hồn vốn dĩ ích kỷ và đầy hẹp hòi của chúng con. Xin ban cho chúng con một tâm hồn luôn yêu thương, nhân từ như Chúa, để chúng con biết đối xử tốt với nhau.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Hãy đến với Chúa

"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
Suy niệm: 
Những kẻ vất vả mang gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ, hướng dẫn, như được nói đến trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng.
Gánh nặng đó là gì? Thưa là gánh nặng của lề luật mà các nhà thông luật chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn. Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người biệt phái. Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa.
Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức. Chống lại những người Biệt phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai chấp nhận Ngài. Đây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ an ủi, đó là sức mạnh của Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, mỗi khi chúng con tưởng mình tốt lành thánh thiện, chính là lúc chúng con đang ở trong nguy cơ phạm tội, xa Chúa. Trái lại, khi chúng con mang trong lòng sự khiêm nhường, nhận biết mình tội lỗi bất xứng, chính là lúc chúng con đang lãnh nhận ơn Chúa, đang cảm nếm được sự ngọt ngào của tình Chúa xót thương. Xin giúp chúng con đừng bao giờ có thái độ kiêu căng, cố chấp đến độ không nhận ra tội lỗi của mình, và ở lỳ trong tình trạng tội lỗi. Xin giúp chúng con luôn khiêm tốn nhận ra sự bất toàn của mình, để chúng con biết sống cảm thông và tha thứ cho nhau. Để thực hành được những điều đó, xin cho chúng con biết đến với Chúa, học nơi Ngài sự hiền lành khiêm nhường và được Ngài nâng đỡ bổ sức giúp chúng con vượt thắng mọi gian nguy.

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Điều đẹp Ý Cha

Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
Suy niệm: 
Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.
Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin mừng hôm nay là nhóm Biệt phái đang đứng trong hàng lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa; họ tự phụ cho rằng mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Người.
Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa và được cứu rỗi: Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn.
Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Đức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Bởi lẽ đức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức. Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm Tiến sĩ Hội thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quí báu giúp mọi thành phần Giáo hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái, họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Cha Piô, giám đốc nguyện san "Mondo e Missione" của hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại Milanô và cũng là cố vấn của bộ truyền giáo, đã thuật lại rằng:
Mỗi lần có dịp qua Ấn Độ, tôi đều tìm cách đi gặp một Guru, đạo sĩ Ấn Độ, là những người thường được coi là biết cách chỉ đường cho người ta tiếp xúc với Thượng Đế. Tôi tìm thấy các đạo sĩ đó, người thì ở trong rừng, người thì sống cạnh bờ sông, người thì sống trong đan viện. Có những đạo sĩ sống nghèo khó bằng của bố thí, và tất cả đều dành trọn đời mình để tìm kiếm vị Thượng Đế, Chúa tể vũ trụ mà người Ấn Độ không được biết qua mạc khải.
Khi gặp những đạo sĩ đó, tôi thường hỏi xem cuộc sống của họ ra sao, kinh nghiệm của họ thế nào về Thượng Đế, và đâu là con đường mà họ chỉ cho các đệ tử của họ để tiếp xúc với Thượng Đế.
Tôi có ấn tượng nhiều về câu trả lời của một đạo sĩ tôi gặp ở Mêluma, trụ sở trung ương của Rama Kisma Kisna ở Calcutta. Ông ta nói:
Thượng Đế cũng như một đại dương mênh mông, trong đó chúng ta phiêu lưu mà không có hải bàn để định hướng. Đã hơn 50 năm nay, tôi đi ngang dọc trong đại dương đó, sống với lời cầu nguyện khổ chế, chiêm ngắm thiên nhiên, sử dụng các kỹ thuật chế ngự thân xác và tinh thần, đọc các sách thánh, thế mà tôi chưa thấy bến bờ nào cả. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể tự biểu lộ chính Ngài và tỏ bày cho bất kỳ ai tìm kiếm Ngài cách chân thành. Tôi hy vọng một ngày kia, Ngài sẽ đến gặp tôi và tiếp nhận tôi vào trong an bình của Ngài...
Nhà đạo sĩ Ấn Độ hy vọng một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ đến gặp ông, mạc khải cho ông như một kẻ thật bé mọn trước Thiên Chúa vô cùng lớn lao. Còn chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta được may mắn hơn bội phần, vì chúng ta biết được Thiên Chúa vẫn luôn đến với chúng ta trong từng giây phút của cuộc sống. Chúa đến với chúng ta qua các Bí Tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Chúa đến với chúng ta khi cầu nguyện. Chúa đến với chúng ta qua các ân huệ Người ban. Chúa đến với chúng ta qua các biến cố vui buồn. Chúa đến với ta qua những người thân. Chúa đến với chúng ta qua những người anh chị em ta gặp mỗi ngày, nhất là những người nghèo khổ, bé mọn.
Chúa không ngừng đến tìm chúng ta với mối thân tình thắm thiết:"Này Ta đứng ngoài cửa và Ta gõ. Nếu ai mở cửa, Ta sẽ vào và dùng bữa tối với người ấy"
Chúa luôn có mặt và chờ đợi. Chúng ta có mau mắn mở rộng cánh cửa tâm hồn để đón tiếp Ngài không?
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn biết tự chúng con, chúng con chẳng đáng là gì trước Thiên Chúa thật bao la, yêu thương chúng con vô bờ bến. Bản thân chúng con chỉ là những người tội lỗi. Đối với Thiên Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn trước những hồng ân được lãnh nhận và càng khiêm tốn hơn, vì tất cả đều là hồng ân. Đối với tha nhân, xin cho chúng con luôn sống chân thành, hài hòa với mọi người, để tình Chúa luôn được trải rộng trên cuộc đời mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn ý thức được rằng sống khiêm tốn là chúng con thực hành điều đẹp Ý Cha. Amen


Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Sám hối

"Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơđôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi."

Suy niệm: 
Văn minh càng tiến bộ, càng lôi kéo con người đến sa đọa và hủy hoại nền tảng gia đình và xã hội. Ngay từ thời xa xưa, các Tiên tri trong Cựu ước đã thấy được hiểm họa ấy. Việc chúc dữ các đô thị là một trong những đề tài nổi bật trong lời rao giảng của các Ngài. Sôđômô, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn là đối tượng của những lời rủa xả nặng nề nhất của các tiên tri. Những đô thị này không những là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, mà còn là biểu trưng của óc tự mãn, sự tôn thờ ngẫu tượng của con người.
Chúa Giêsu cũng tiếp tục truyền thống tiên tri ấy khi Ngài lên tiếng chúc dữ một số thành phố, như Coraxin, Betsaida. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, đồng thời chối bỏ tương quan với Đấng tạo hóa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình; chính trong tương quan với tha nhân mà con người nên thành toàn hơn, do đó gia đình và xã hội là nhân tố thiết yếu cho sự phát triển con người toàn diện.
Làng mạc, thành phố, đô thị, tự nó là những xã hội cần thiết để con người xây dựng các tương quan và nhờ đó phát triển nhân cách. Tuy nhiên, thay vì giúp con người phát triển, các phương tiện ấy thường kéo con người vào nỗi cô đơn và chối bỏ mối tương quan với Thiên Chúa, chỉ lo hưởng thụ vật chất của cải. Sự trống rỗng trong lòng người dân đô thị cũng là dấu chỉ vắng bóng Thiên Chúa. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở cho con người biết rằng chỉ trong Thiên Chúa, họ mới có thể tạo được tương quan đích thực giữa người với người. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không những rơi vào sa đọa, mà còn cắt đứt mọi tương quan với tha nhân.
Lắng nghe Lời Chúa, đó là bí quyết để xây dựng cuộc sống xã hội, thắt chặt quan hệ với tha nhân và trở nên thành toàn. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta trong Tin mừng hôm nay: con người không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu loại bỏ Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng ra khỏi cuộc sống.
Nguyện cho Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống, để khi mưu sinh và xây dựng xã hội, chúng ta biết đặt Thiên Chúa vào trọng tâm cuộc sống, đeo đuổi những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã xót xa khi nhìn thấy lối sống dẫn đến diệt vong của con dân thành Caphanaum. Vì tự mãn nên đã không nhận ra sứ điệp sám hối. Họ chai lì trong tội nên không quyết tâm thay đổi lối sống cho phù hợp với Tin Mừng. Và hôm nay, có lẽ Chúa cũng đang xót xa nhìn đến phận người chúng con. Vì thế giới hôm nay vẫn còn đó biết bao tệ nạn xấu đang gặm nhấm linh hồn chúng con. Biết bao bạn trẻ đang bị mê hoặc bởi sách báo, phim ảnh xấu đã làm mất đi sự trong trắng của tâm hồn. Họ đã để cho những tư tưởng xấu làm chủ đầu óc họ, khiến họ lao vào con đường tội lỗi. Biết bao người đang vùi sâu đời mình trong những đam mê lầm lạc khiến họ đánh mất nhân tính và phẩm giá làm người của mình. Xin Chúa giúp chúng con biết trở về nẻo chính đường ngay.
Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa hôm nay đánh động chúng con biết ăn năn sám hối và canh tân đời sống cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng. Xin giúp chúng con thắng vượt những tư tưởng, ước muốn tội lỗi, để chúng con luôn sống trong sạch và cao thượng trong cuộc sống hôm nay. Amen

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Chúa sẽ đền bù

"Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.  "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. "Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. "Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."
Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giêsu rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.
Suy niệm: 
Có thể nói, bài Tin mừng hôm nay cho thấy hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó. Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ sự chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng. Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. “Đón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính, đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng”. Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.
Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân. Chúng ta hãy tin rằng những việc nhỏ bé của chúng ta vẫn hiện diện và có giá trị trước mặt Chúa.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, chúng con có quá nhiều bận tâm; bận tâm cho kinh tế gia đình, bận tâm cho việc học tập, tăng lương, tiến chức…tất cả những điều đó bắt nguồn từ nỗi sợ. Chúng con sợ khó sợ khổ. Nói cách khác chúng con sợ phải vác thánh giá trong cuộc sống. Thế mà Lời Chúa hôm nay lại dạy chúng con ai không vác thập giá mà theo Chúa thì không xứng với Chúa. Xin cho chúng con không né tránh thập giá nếu đó chính là thập giá Chúa muốn dùng để thánh hóa đời người Kitô hữu chúng con.
Xin Chúa cho chúng con biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo hội bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hàng ngày của chúng con. Dù chỉ là những việc nhỏ bé, âm thầm, không được ai biết đến, nhưng nếu chúng con làm với tất cả tấm lòng quảng đại dâng hiến thì chắc chắn giá trị của công việc chúng con làm thật lớn lao. Xin Chúa thánh hóa từng công việc chúng con làm và giúp chúng con chu toàn trong tin yêu.
 

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Hành trang người môn đệ

Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Suy niệm: 
Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.
Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi Ngài luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.
Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác. Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.
Hành trang của người môn đệ là tình liên đới. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.
Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.
Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Nhiều người trong chúng ta rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

V/v tổ chức mừng kỉ niệm 153 năm tử đạo của hai thánh PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÍ & EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG Tại Châu Đốc


THÔNG BÁO
V/v tổ chức mừng kỉ niệm 153 năm tử đạo của hai thánh
PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÍ & EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG
Tại Châu Đốc


Tại Trung Tâm Hành Hương Châu Đốc, nhờ lời chuyển cầu rất hiệu lực của Đức Maria và hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí & Emmanuel Lê Văn Phụng, Thiên Chúa vẫn tiếp tục quảng đại trao ban cho những người thành tâm thiện chí lòng thương xót vô biên và những ơn lành quý báu, phần hồn cũng như phần xác.
Để chuẩn bị đón mừng lễ giỗ lần thứ 153 của hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí & Emmanuel Lê Văn Phụng, và cũng giúp mọi người có thể lãnh nhiều ơn thánh Chúa vào ngày 31-7-2012 sắp tới, mong Quý Ông Bà và Anh Chị em vui lòng: Tăng gia việc lành, việc thiện, việc đạo đức, nhất là siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ, để nhờ lời chuyển cầu chuyển cầu của Đức Maria và hai thành tử đạo Phêrô & Emmanuel, Thiên Chúa thương ban nhiều ơn lành cho mọi người.
Chắc chắn những hy sinh, dâng hiến rất quý báu của mỗi người sẽ được Thiên Chúa đoái nhận và bù đắp xứng đáng.
Lễ giỗ được khai mạc vào lúc 18g30 ngày thứ hai 30.7.2012 và kết thúc bằng thánh lễ đồng tế do Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục giáo phận Mỹ Tho chủ sự.
Quý Ân Nhân sẽ được nhận những ơn lành quý báu của Chúa từ trong thánh lễ, những nghi thức phụng vụ và những việc đạo đức được cử hành hằng ngày tại Trung Tâm Hành Hương Châu Đốc.
CHƯƠNG TRÌNH
·        Thứ hai ngày 30.7.2012 lúc 18g30
-         Thánh lễ khai mạc Canh Thức mừng lễ giỗ.
-         Diễn nguyện, cầu nguyện và tĩnh tâm.
·        Thứ ba ngày 31.7.2012 lúc 9g
Thánh lễ đồng tế mừng lễ giỗ thứ 153 của hai thánh –
do Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục GP. Mỹ Tho chủ sự.

Trung Tâm Hành Hương Châu Đốc xin trân trọng kính báo.
·        Ghi chú:
-         Xin Quý Cha tham dự mang lễ phục vàng.
-         Xin mời Ông Bà và Anh Chị Em giáo dân đến hiệp ý cầu nguyện và chia sẻ.
-         Khánh hành hương đi theo đoàn: Để tiện việc sắp xếp các phương tiện di chuyển, lương thực….. xin vui lòng thông báo về văn phòng giáo xứ Châu Đốc, theo đại chỉ:
Nhà thờ Châu Đốc
120 Lê Lợi – Phường Châu Phú B
Thị xã Châu Đốc – Tỉnh An Giang
ĐT: (0763) 869.239  - 866.787 – 563.077
DĐ: 0913.650.331 – 0919.726.377 – 0913. 708.201





Anh em đừng sợ hãi

"Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bêendêbun, huống chi là người nhà. "Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng."Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
Suy niệm: 
Có lẽ trong đời người, không ai mà không phải trải qua những nỗi sợ hãi, nhất là sợ cái chết. Cái chết thường gây ám ảnh đời người nhiều hơn cả. Trong Kinh thánh đã từng kể ra những cái sợ kinh hoàng khi con người gặp phải Thiên Chúa Giavê. Sự sợ hãi trong Kinh thánh có nghĩa là kính trọng là tự khiêm tự hạ, là phó thác và vâng lời (Đnl 101,2). Cho nên sự sợ hãi trước Thiên Chúa là một đức tính khôn ngoan (Tv 111,10), là nguồn của sự sống (Cn 12,27) và được chúc phúc nữa (Tv 112,1).
Như vậy là con người có hai cái sợ: sợ sự chết và sợ Thiên Chúa Giavê. Riêng về sợ chết, Chúa nói “Đừng sợ” (c.28). Đấy là một đòi hỏi và là một lời hứa. Là đòi hỏi vì Chúa buộc con cái Ngài phải là đèn sáng đặt trên giá đèn (Mc 4,21), phải là muối mặn của đất (Mt 5,13), là ánh sáng cho trần gian (5,14). Còn giáo lý của Chúa, không phải chỉ đóng khung trong tấm lòng hay trong một mái ấm gia đình mình. Nhưng Chúa buộc phải rao giảng chân lý của Chúa trên mái nhà (c.27). Chúa muốn con cái Ngài phải là chứng nhân cho Ngài từ Samaria, Galilê đến tận cùng trái đất.

Là một lời hứa bảo đảm cho họ khi gặp thử thách, Chúa Giêsu đưa ra 3 lý do để họ an tâm tin tưởng:
1. Dù chết phần xác nhưng còn phần hồn. Phần xác kia sẽ sống lại. Cho nên cái sợ trước hết phải là sợ Đấng có quyền trên cả linh hồn và thân xác (c.28). J. de Bird nói: “tâm hồn dành cho Chúa, xác dành cho inimicis”. Chúng ta nói cả xác cả hồn dành cho Thiên Chúa và anh em. Gương các thánh tử đạo còn đó. Họ được tình yêu Thiên Chúa quan phòng bao bọc thật nhiệm mầu.
2. Đức Kitô quả quyết một phần thưởng “hễ ai tuyên xưng Thầy...” (c.32). Một bát nước lã vì danh Ngài, còn được thưởng công, huống chi tuyên xưng danh Chúa (Mt 11,42). Ai tuyên xưng Ngài dưới đất, sẽ được Ngài che chở ở trên trời. Vào giờ chung thẩm phán xét, họ sẽ được xót thương.
3. Chúa Giêsu sẽ bang trợ họ, luôn đứng sau lưng họ. Chúa quả quyết mỗi người còn đáng giá hơn chim sẻ và sợi tóc trên đầu Chúa cũng đã đếm cả rồi (c.29).
Vâng, người môn đệ của Chúa, được Ngài trao ban cho một sứ mệnh phải thi hành trong khoảng không gian và thời gian một nhiệm vụ nào đó. Nhiệm vụ càng cao, ơn thánh càng giàu. Có quyền lợi, có nghĩa vụ, có bổn phận. Quyền của họ là được ghi tên trên nước trời (Lc 10,20) và ở trần gian này là ơn thánh. Còn nhiệm vụ của họ là rao giảng, là chứng nhân. Rao giảng điều gì ? Thưa, rao giảng chân lý hào hùng minh chính về ơn cứu độ, rao giảng nước Thiên Chúa và hiến pháp của Ngài qua Kinh thánh.
Người môn đệ phải nhớ rằng, rao giảng về Chúa là một mệnh lệnh “hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mt 28,20). Thánh Phaolô đã từng nói “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người kitô hữu, tôi phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?
“Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn Chủ”. Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, của tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta thấy một lý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng nói: “Tôi tớ không trọng hơn chủ”. Chúa đã đến trần gian trong con đường khiêm hạ, nghèo khó. Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ, tận hiến và hy sinh. Hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu. Xin giúp chúng con luôn biết theo gương Chúa cho đến cùng. Cho dẫu có vì Chúa mà bị người đời khinh chê. Cho dẫu có vì Chúa mà bị thua thiệt. Xin ban cho chúng con một tâm hồn trong sáng và một lương tâm ngay lành để chúng con luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi được sống theo gương Chúa.

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Ơn gọi và sứ mạng của môn đệ Chúa

Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. "Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ítraen, thì Con Người đã đến.
Suy niệm: 
Tin mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo hội cũng bị bách hại.
Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị. Giáo hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một Giáo hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo hội bị bách hại càng là Giáo hội trung thành với Chúa Kitô hơn. Trong một chuyến viếng thăm tại Brazin. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo hội bị bách hại, hơn là một Giáo hội thỏa hiệp”.
Cứ bình thường làm nghề gì cũng phải sắm sửa hành trang vào đời. Một người mẹ tiễn chân con mình lên xe hoa chẳng hạn... sắm sửa cho con đủ thứ áo xống và dặn dò đủ cách. Còn ở đây Chúa Giêsu lại cấm mang đồ nghề và Chúa chỉ khuyên thêm một lời có vẻ đầy lo lắng “hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (c.16)
Nói tới rắn là chúng ta nghĩ ngay đến con rắn đã khôn khéo cám dỗ được ông bà nguyên tổ (St 3,1-14), hay nghĩ đến cái gậy của Maisen biến thành rắn cắn ở đền vua Pharaon, hoặc những con rắn cháy ở sa mạc (Ds 21,6), và con rắn đồng ở sa mạc chữa bệnh rắn cắn (Ds 21,8-9).
Con rắn rất nhiều ở Palestin. Hình như con rắn nào càng độc thì càng tinh khôn. Chúng thường đi ăn và săn mồi ban đêm, chúng trườn mình rất khéo léo, chúng đi lại êm đềm như gió, chúng biết cách ẩn nấp trong bóng đêm để rình mồi, chúng biết cách sợ sệt và trốn lủi tài tình, chúng leo cây, chui luồn dưới nước đều được hết. Con rắn hay bắt sâu bọ, chuột, ếch nhái là những đồ ăn loại mát tạng. Rắn rất thích nghe nhạc nhất là tiếng đàn violon, sáo (biết nghe nhạc là một dấu khôn ngoan).
Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh con rắn để dạy các môn đệ bài học của sự khôn ngoan cẩn trọng trong đời tông đồ. Một sự khôn ngoan không lèo lái thâm độc. Nhưng là sự khôn ngoan đi đôi với lòng chân thành đơn sơ trong trắng như chim bồ câu.
Chim bồ câu ai cũng quen thuộc. Con chim nào cũng dễ thương. Từ bộ lông trắng mượt pha xám, đến đôi mắt ngây thơ, dáng điệu đi lại gật gù, điệu bay là là nhẹ nhàng thật dễ thương. Nói đến bồ câu, làm chúng ta liên tưởng tới ngày tạo dựng vũ trụ, có Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn là là trên nước (St 1,2) hay con chim câu đã bay về tàu Noe sau lụt hồng thủy. Cũng nhắc tới Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên đầu Chúa Giêsu ở bờ sông Giodan (Mt 3,16). Tiên tri Isaia đã ví lời cầu nguyện van xin của dân Israel như tiếng rì rầm của chim câu (Is 59,11). Sách Diễm tình ca diễn tả chim câu là biểu tượng của tình yêu (2,14).
Nói chung, con chim câu là biểu tượng của bình an, trong trắng, đơn sơ. Chúng không biết làm tổ để ở. Chúng sống nương tựa vào người ta. Chúng có một trí nhớ đặc biệt đến nỗi người xưa đã dùng nó để đưa thư cả hàng chục cây số mà chúng vẫn trung thành hoàn tất sứ mệnh, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh chim câu để cầu chúc các tông đồ sống thành thật trung tín và hữu ích.
Với sự khôn ngoan cẩn trọng của con rắn, cùng với tấm lòng ngay thẳng của chim bồ câu...Chúa sai các môn đệ ra đi truyền giáo như con thuyền tròng trành giữa biển khơi, như rơi vào vùng đất lạ, như con chiên lầm lũi ngơ ngác giữa rừng hoang.
Chúa chúc các môn đệ hãy sắm cho mình lấy hai đặc tính đó, ngoài ra mọi sự khác Chúa Thánh Thần sẽ bù đắp cho. Mãnh liệt đầy kết quả. Họ phải mở rộng cửa lòng đón gió Chúa Thánh Thần làm dịu mát những u uẩn lo âu của cuộc đời.
Hàng tư tế Chúa, cần được những ơn thiêng ấy qua lời cầu nguyện của mỗi người, vì mỗi quyết định, việc làm của họ là của cả cộng đoàn dân Chúa.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, chúng con đang sống giữa một xã hội khá phức tạp, không thiếu những gian nan thử thách. Bước chân người môn đệ Chúa không thiếu những cám dỗ, nghi nan. Đôi khi chúng con muốn chán nản, bỏ cuộc trước những thử thách. Chúng con muốn tìm an nhàn bản thân. Chúng con dễ lùi bước trước gian nguy. Xin ban cho chúng con ơn đức tin đủ để vượt qua những nghi nan mà trung thành với Chúa. Xin ban cho chúng con lòng trông cậy vững vàng để chúng con không nao núng trước những bất trắc hiểm nguy.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng báo trước rằng: ai theo Chúa sẽ gặp những đau khổ bách hại. Xin giúp chúng con ghi nhớ để luôn trung thành với Chúa cho đến cùng. Xin cho chúng con lòng mến yêu sắt son để chúng con yêu Chúa hơn hết mọi sự ở trần gian. Amen

Mệnh lệnh truyền giáo

Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơđôm và Gômôra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.
Suy niệm: 
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một số chỉ thị cụ thể liên quan đến việc thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận. Trước hết, về chính việc rao giảng Tin mừng: Hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong cùi được khỏi bệnh và khử trừ ma quỉ. Vì là người được Chúa ủy thác, nên phải thi hành đúng chỉ thị của Ngài: rao giảng Nước Trời, cứu vớt những người nghèo khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội.
Liên hệ đến tâm thức và cách sống của nhà truyền giáo, Chúa Giêsu nói đến tính cách nhưng không của việc hiến thân, tinh thần vị tha, giao tiếp hiền hòa với những ai đón nghe lời rao giảng cũng như với những ai từ chối. Đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Đừng mang vàng bạc, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giầy hay cầm gậy. Vì thợ thì có quyền được nuôi ăn. Khi vào nhà nào thì hãy chào thăm và chúc lành cho nhà đó.

Chúa Giêsu không những ủy thác việc rao giảng Tin mừng cho các môn đệ, Ngài còn muốn đời sống các ông phù hợp với lời giảng dạy. Nội dung cốt yếu của sứ điệp không do quyết định tự do hoặc sáng kiến của người rao giảng, mà là do chính Chúa Giêsu ấn định, đó là Nước Trời. Người được sai đi với tư cách là thừa tác viên phải thi hành đúng như Chúa đã truyền. Ngài mời gọi họ dấn thân sống đầy đủ mỗi ngày lý tưởng truyền giáo và lý tưởng của người môn đệ. Điều quan trọng phải nhớ là hành trang của nhà truyền giáo khi theo Chúa Giêsu là lời của Ngài và đời sống nghèo khó của Ngài. Tất cả những sự khác phải được coi là dư thừa, nhiều khi còn là ngăn trở cho việc truyền giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng những ai dấn thân sống nghèo khó và hy sinh cho người khác, sẽ được Chúa cho lại gấp trăm.
Người môn đệ của Chúa phải cảm nhận được Nước Trời ở trong lòng để rao giảng cho người khác, giúp họ tin nhận. Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi cùng một mệnh lệnh là rao giảng Nước Trời giữa lòng thế giới hôm nay, trong bối cảnh hiện tại, thậm chí giữa những phức tạp bề bộn chung quanh chúng ta. Giữa một thế giới cậy dựa vào sức mạnh của đồng tiền, người môn đệ của Chúa đến với họ trong sự thanh thoát đơn nghèo để làm chứng rằng chỉ có Chúa mới là tất cả và là gia nghiệp của họ. Để làm được điều đó, người môn đệ phải không ngừng cầu nguyện, xin ơn Chúa giúp, phải tập luyện cho mình có được tinh thần từ bỏ, dấn thân và luôn sống quảng đại. Nếu không, họ sẽ bước vào đời và bị dòng đời lôi cuốn.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con lên đường, trở thành thợ gặt Nước Trời. Xin giúp chúng con can đảm thoát ra khỏi thế giới riêng tư cá nhân, để hướng tới việc hiến thân phục vụ vì lợi ích của tha nhân. Xin Chúa cho chúng con luôn ý thức sứ mệnh Chúa đã trao và quảng đại dấn thân để góp phần mở rộng Nước Chúa nơi trần gian. Xin giải thoát chúng con khỏi những hành trang vô ích, dư thừa, cản trở việc rao giảng Tin mừng, để chúng con không lạc bước trong khi thi hành sứ mệnh cao cả đã lãnh nhận.

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Chúa chọn các Tông đồ

Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người.  Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.
Suy niệm: 
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo hội. Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô. Để thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đồ đi theo Ngài để rao giảng Tin mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông đồ và trở thành cột trụ của Giáo hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Đấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo hội.
Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông đồ. Do đó tiếp nhận quyền bính trong Giáo hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông đồ. Trong Kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng Giáo hội Tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo hội được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông đồ đã truyền lại cho các Đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Đức Giáo hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Đây chính là nền tảng của sự hiệp thông trong Giáo hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo hội, và cũng không còn là một hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Đức Giáo hoàng.
Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ “dân chủ” cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành. Giáo hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật. Giáo hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo hội là Giáo hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông đồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các Ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông đồ và các đấng kế vị các Ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo hội có hiệp thông với Giáo hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông đồ.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, xin hãy sai chúng con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Dù phận hèn sức yếu nhưng chúng con vẫn xin được là khí cụ gieo vãi yêu thương và bình an cho thế gian.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con tinh thần khiêm tốn, để chúng con luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông đồ và Giáo hội. Xin Chúa gìn giữ Giáo hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo hội.