Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Tỉnh thức

Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. "Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."
Suy niệm: 
A- Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn Phúc Âm hôm nay nói về ngày Chúa quang lâm. Điều quan trọng để đón ngày đó là phải luôn sẵn sàng. Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để giải thích rõ điều đó:
- Trước hết Ngài dùng chuyện ông Nôê trong Cựu Ước để khuyến cáo các môn đệ mình: người ta dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống vật chất (ăn uống, cưới vợ lấy chồng). Những lo lắng này không có gì là tội lỗi, nhưng có thể khiến người ta quên mất điều quan trọng là luôn luôn sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Do đó khi ngày ấy đến một cách nhanh chóng và bất ngờ, thì những kẻ không sẵn sàng sẽ phải hư mất.
- Tiếp theo là một số hình ảnh diễn nghĩa, giúp dễ hiểu: Có những người bề ngoài thì hoàn toàn giống nhau (hai người đàn ông cùng làm ruộng ngoài đồng, hai người đàn bà cùng xay một cối bột) nhưng số phận hoàn toàn khác nhau: kẻ có chuẩn bị sẵn sàng thì được đem đi (đem đi với Thiên Chúa), còn kẻ không chuẩn bị thì bị bỏ lại (bỏ lại trong hư vong).
Kết luận, Chúa khuyên hãy tỉnh thức luôn vì chúng ta không biết lúc nào thì ngày ấy đến.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Theo cách viết của Thánh sử Mátthêu, những người thời ông Nôê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường: “ăn uống, cưới vợ lấy chồng”. Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt. Không phải vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả.
2. “Hai người đàn ông đang làm ruộng… hai người đàn bà đang kéo cối xay... thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại”: những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.
3. “Hãy mài sắc cảnh giác” (một kiểu nói mà xã hội thường dùng tới). Sự cảnh giác phải thường xuyên mài giũa, nếu không nó sẽ tự động cùn nhụt đi. Giống như trường hợp một con dao bén bằng sắt, nếu ta đem cất đi, chỉ một thời gian sau dù ta không làm điều gì sai quấy, con dao vẫn tự động lụt đi (không còn bén nữa) do tác động của không khí làm rỉ sét. Việc trông chờ Nước Chúa cũng vậy, cần mài sắc hoài.
4. Tính trì-trệ (inertia: còn gọi là ỳ-tính, noạ-tính) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ nằm ỳ tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh nổi sự trì trệ kiểu đó.
- Sự nguội lạnh, phai nhạt: Một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó vẫn từ từ bớt nóng, và trở thành lạnh ngắt. Sự nhiệt thành của ta đối với Nước Trời cũng vậy.
- Sự cạn kiệt: Một chiếc xe Honda chạy mãi mà không được châm thêm, xăng sẽ vơi dần và cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu nếu không được bồi bổ thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện… cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói: ‘Quỳ lâu, chầu mỏi’.
5. Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi. Ông này giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hàng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề. (Christopher Notes)
6. Áp dụng bài học của dụ ngôn tên trộm: ta biết luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ tài sản vật chất, sao không làm như thế đối với tài sản thiêng liêng vốn quý giá hơn nhiều.
7. Trách nhiệm: “Con người là thụ tạo duy nhất gánh lấy trách nhiệm đối với chính bản thân, đối với tha nhân, đối với thiên nhiên và trước mặt Thiên Chúa.” (Trích: Chờ đợi Chúa)
8. Một ngôi trường bị nổ. Cả trăm học sinh và giáo viên thiệt mạng. Nhiều gia đình chết 2 hay 3 em. Chính quyền địa phương bí mật sai người đến điều tra nguyên nhân vụ nổ. Trong một cuộc dò hỏi, vợ một công nhân xây dựng ngôi trường đó nói: trước khi thảm kịch xảy ra, chồng bà đã biết là việc xây đường ống dẫn khí đốt ở đó có vấn đề.
- Cái gì? Chồng bà biết rõ việc đặt đường ống dẫn khí có vấn đề?
- Đúng vậy.
- Thế chồng bà có báo cho ai biết việc đó không?
- Không.
- Vậy chồng bà phải chịu trách nhiệm về sự cố đó, chồng bà cũng là một tội phạm. (Góp nhặt)
9. Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hoả hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hoả hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cáo với các chức sắc trong làng như sau: người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu: khi có hoả hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hoả hoạn xảy đến trong làng, mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa vô tình cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng của mọi người.
Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích: Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt ngọn lửa ư? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay và chờ đợi. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là Đấng mang bình an xuống trần gian, là Đấng cứu chuộc con hằng mong đợi! Hôm nay, Chúa giục con hãy mau tỉnh thức trước những cám dỗ của thế gian này, vì “Đêm sắp tàn và ngày đã gần đến” (Rm 13,13).
Xin giúp con biết tỉnh thức từ nội tâm, chứ không phải ngoài môi miệng, để nhận ra Chúa đang đến ngang qua anh em con, nơi các biến cố, sự kiện xảy đến với con.
Xin giúp con luôn sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa, để có thể sống hài hoà và tử tế với hết thảy mọi người, cho dù có những khác biệt với nhau bên ngoài. Để dù giữa cuộc đời, với biết bao bộn bề lo lắng, tâm hồn con luôn rộng mở sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến với con.
Chúa là nguồn hạnh phúc và là nguồn cứu rỗi của con: “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

4 nhận xét:

  1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là Đấng mang bình an xuống trần gian, là Đấng cứu chuộc con hằng mong đợi! Hôm nay, Chúa giục con hãy mau tỉnh thức trước những cám dỗ của thế gian này, vì “Đêm sắp tàn và ngày đã gần đến”

    Trả lờiXóa
  2. Xin giúp con biết tỉnh thức từ nội tâm, chứ không phải ngoài môi miệng, để nhận ra Chúa đang đến ngang qua anh em con, nơi các biến cố, sự kiện xảy đến với con.

    Trả lờiXóa
  3. Xin giúp con luôn sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa, để có thể sống hài hoà và tử tế với hết thảy mọi người, cho dù có những khác biệt với nhau bên ngoài. Để dù giữa cuộc đời, với biết bao bộn bề lo lắng, tâm hồn con luôn rộng mở sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến với con.

    Trả lờiXóa
  4. Chúa là nguồn hạnh phúc và là nguồn cứu rỗi của con: “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

    Trả lờiXóa