Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Tinh thần nghèo khó đích thực

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! " Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông." Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: "Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần." Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó."
Suy niệm: 
Có một nhà hiền triết đến nghỉ hè tại một thành phố; ông vua của đô thị này thường tự hào mình là người giàu có nhất trần gian. Vốn là người siêu thoát mọi của cải trần thế, nhà hiền triết quyết định đến gặp cho được con người khoe khoang này. Khi nhà hiền triết vừa đến cung điện, nhà vua liền đưa ông đi một vòng và cho ông thấy tất cả sự giàu sang của mình. Nhà vua hỏi một cách huênh hoang:
Nhà ngươi nghĩ gì về tất cả sự giàu có của ta?
Nhà hiền triết cúi đầu giữ im lặng. Nhà vua lại hỏi tiếp:
Theo nhà ngươi, thì ai là người hạnh phúc nhất trần gian này?
Nhà hiền triết suy nghĩ một lúc rồi kể tên của những người Hy Lạp mà có lẽ không ai biết đến, kể cả nhà vua. Nhận ra thái độ khiêu khích của nhà hiền triết, nhà vua liền nổi giận; ông yêu cầu nhà hiền triết phải giải thích ngay về thái độ ấy. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới thong thả nói:
Thưa ngài, không ai có thể được xem là hạnh phúc, khi trái tim người đó còn gắn bó với của cải vật chất. Ðiều này cũng giống như một cuộc hôn phối, của cải vật chất qua đi, người có của sẽ thành một người góa, mà người góa thì đương nhiên sẽ khóc lóc; hoặc giả như người có của cải qua đi, người đó cũng chẳng mang theo được một đồng xu nào, lúc đó cũng chỉ có khóc lóc mà thôi.
Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về tinh thần nghèo khó đích thực. Cuộc sống nghèo khó của Chúa Giêsu là một chọn lựa: Ngài đã chọn sinh ra trong nghèo khó; Ngài đã lớn lên trong khó nghèo; và trong ba năm sống công khai, Ngài đã chọn lựa nếp sống nghèo khó. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Ngài cũng đã khuyến dụ các ông hãy sống khó nghèo. Ra đi hai tay không, người ta tiếp đón thì ở lại, người ta không niềm nở thì ra đi, giũ bỏ lại mọi thứ bụi trần, đó là hình ảnh của sự siêu thoát mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở những môn đệ của Ngài. Ðây không chỉ là điều kiện của những người môn đệ, những nhà truyền giáo hay các tu sĩ: nghèo khó là đồng phục của mọi người mang danh hiệu Kitô. Nghèo khó là bộ mặt đích thực của các nghĩa tử của Thiên Chúa, họ phải giũ bỏ tất cả để mặc lấy phẩm giá của những con người được tái sinh.
Trong thực tế, người Kitô hữu phải sống thế nào mới gọi là nghèo khó? Ðó là thắc mắc mà trong xã hội nào, ở thời đại nào, các Kitô hữu cũng có thể nêu lên. Phải chăng sống nghèo khó, họ phải từ bỏ mọi thứ của cải trần thế? Phải chăng về lý tưởng nghèo khó, Kitô giáo chủ trương bần cùng hóa xã hội?
Thực tế, nghèo không hề mâu thuẫn với sự phát triển hay làm giàu tài nguyên vốn có trong thiên nhiên mà Kitô giáo luôn cổ võ và nâng đỡ. Kitô giáo vốn là sức mạnh tiên phong trong việc khai hóa và mở mang vào thời Trung Cổ tại Âu Châu; những khám phá khoa học và tiến bộ kỹ thuật ở khởi đầu đều phát xuất từ Kitô giáo, như vậy, phát triển hay làm giàu không hề mâu thuẫn với Tin Mừng.
Thế nhưng, làm thế nào để sống tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng?
Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy rằng tự nó, của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong quan hệ với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Như vậy, có tinh thần nghèo khó đích thực có nghĩa là luôn biết giữ khoảng cách đối với của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, như công bằng, bác ái, liên đới. Một cách cụ thể, có tinh thần nghèo khó đích thực là biết mưu cầu cho công ích, biết san sẻ với người túng thiếu, biết làm ra của cải, nhưng không thuộc về của cải.
Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của tinh thần nghèo khó. Túng thiếu, nghèo đói, mà vẫn tin tưởng cậy trông và giữ bàn tay thanh sạch, chứ không bán đứng lương tâm để làm điều gian ác; may mắn hơn người khác vì được thịnh vượng, giàu có, mà vẫn biết mở rộng trái tim và bàn tay để chia sẻ cho người nghèo khó, đó là thể hiện của tinh thần nghèo khó đích thực. Trong một xã hội của tranh giành, thủ đoạn thì một cuộc sống thể hiện tinh thần nghèo khó đích thực chắc chắn là một chứng tá cao độ cho Nước Trời.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, công việc truyền giáo là việc làm cấp thiết và là nhiệm vụ của tất cả những người Kitô hữu chúng con hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con biết ra đi, ra khỏi cái vị kỷ của mình để đến với mọi người, những người đã biết Chúa, những người chưa biết Chúa và những người chưa tin Chúa.
 

1 nhận xét:

  1. Lạy Chúa Giêsu, công việc truyền giáo là việc làm cấp thiết và là nhiệm vụ của tất cả những người Kitô hữu chúng con hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con biết ra đi, ra khỏi cái vị kỷ của mình để đến với mọi người, những người đã biết Chúa, những người chưa biết Chúa và những người chưa tin Chúa.

    Trả lờiXóa