Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Bánh trường sinh

Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
Người Dothái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? " Đức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
Suy niệm: 
Đối với phần đông chúng ta, đoạn Tin Mừng này thật khó hiểu. Nó được phát biểu bằng ngôn ngữ trong một thế giới của tư tưởng hoàn toàn xa lạ với chúng ta, có thể là quái dị và thô kệch nữa. Nhưng chúng ta phải nhớ điều này, với thế giới thời cổ vốn vận hành giữa những tư tưởng quen thuộc, những ý niệm từ thời ấu trĩ của loài người.
Chúng ta cần nghĩ rằng những người thời cổ biết rõ mọi sự về sự phấn đấu, chờ đợi, mơ ước được đồng hóa với thần của họ, được phước hạnh nhận vị thần ở trong mình và nghe được vị thần của mình. Họ không đọc những câu như “ăn thịt và uống máu Chúa Cứu Thế” theo nghĩa đen một cách sống sượng và đáng sợ.
Những lời Chúa Giêsu tự xưng và tuyên bố làm cho người Do Thái choáng váng. Họ hiểu lời Chúa nói, và chính vì hiểu nên họ không thể chấp nhận Ngài. Ngài đang đứng trước mặt họ thế mà Ngài bảo Ngài từ trời xuống, Ngài là người thợ mộc thành Nazarét mà tự xưng là sứ giả của Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa Đấng ban cho con người sự sống đời đời. Họ thiếu hẳn niềm tin nơi Chúa Giêsu “ông chỉ là người phàm mà tự coi mình như Thiên Chúa!”
Vậy điều cốt lõi Chúa muốn nói ở đây là gì?
Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Chẳng vậy mà ta thường nói: Máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.
Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta. Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.
Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta. Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16). Vậy khi ban cho ta Máu Thịt là Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.
Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đau đớn để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.
Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Người. Đây là một cuộc biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, là tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.
Khi mời gọi ta kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống vì Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.
Ước gì chúng ta biết quý trọng sự sống Người trao ban, để biết sống xứng đáng hơn mỗi ngày.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, trên thánh giá Ngài đã giang rộng đôi tay và khi phục sinh, Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại được sống. Xin cho con luôn biết cho đi, cho đi mãi, không chỉ vật chất, nhưng cho cả bản thân.

1 nhận xét:

  1. Lạy Chúa, trên thánh giá Ngài đã giang rộng đôi tay và khi phục sinh, Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại được sống. Xin cho con luôn biết cho đi, cho đi mãi, không chỉ vật chất, nhưng cho cả bản thân.

    Trả lờiXóa